Máy bay chiến đấu Mitsubishi A6M Zero Akutan Zero

Một chiếc Mitsubishi A6M2 Zero Model 21 cất cánh từ tàu sân bay Akagi để tấn công Trân Châu Cảng

Chiến tranh Trung – Nhật bắt đầu vào năm 1937. Vì máy bay ném bom Nhật Bản hay bị tiêm kích cơ Trung Quốc tấn công nên các chuyên gia người Nhật buộc phải phát triển khái niệm máy bay tiêm kích hộ tống. Do tiêm kích cơ Mitsubishi A5M "Claude" (chuyên sử dụng để hộ tống máy bay ném bom) có phạm vi hoạt động hạn chế nên ban tham mưu thuộc Không lực Hải quân Đế quốc Nhật Bản ủy thác cho Mitsubishi A6M Zero làm máy bay tiêm kích tầm xa trên đất liền và trên tàu sân bay.[5]

Máy bay Zero cất cánh lần đầu vào năm 1939. Nó là chiếc máy bay cực kỳ nhanh và có trọng lượng nhẹ, với khả năng cơ động cũng như tầm bay vượt trội so với bất kỳ máy bay tiêm kích nào vào thời điểm đó.[6] Trong hai năm đầu của Thế chiến, chiếc Zero tỏ vẻ ưu thế hơn bất cứ loại tiêm kích cơ của quân Đồng minh mà nó đụng độ.[7] Tuy nhiên, để có được khả năng như vậy thì máy bay Zero phải đánh đổi độ bền. Chiếc Zero được thiết kế rất nhẹ, không có thiết giáp và thùng nhiên liệu tự hàn kín. Theo soạn giả người Mỹ Jim Rearden thì "Chiếc Zero là máy bay tiêm kích dễ bị bắn rơi nhất khi trúng đạn... Người Nhật... đã không chuẩn bị hoặc không có khả năng chế tạo tiêm kích cơ tiên tiến hơn với số lượng cần thiết để đối phó với số lượng và chất lượng ngày càng tăng của máy bay tiêm kích Hoa Kỳ".[5][8] Zero là loại máy bay tiêm kích chính mà Hải quân Nhật Bản sử dụng trong suốt chiến tranh thế giới với khoảng 10.500 chiếc được sản xuất.[9]

Vào năm 1940, lãnh đạo của đội Phi HổClaire Lee Chennault đã viết báo cáo về đặc điểm bay của Zero. Dẫu vậy, các phân tích viên của Bộ Chiến tranh Hoa Kỳ bác bỏ báo cáo và cho rằng nó "thực sự vô lý", đồng thời kết luận rằng đặc điểm bay của Zero là bất khả thi về mặt lý thuyết khí động học.[10] Theo phi công cấp Ách người Mỹ tên William N. Leonard thì "Trong những cuộc chạm trán ban đầu [với Zero], bản thân chúng tôi đã nhận ra một bài học là thật rồ dại khi dogfight[lower-alpha 1] với Zero".[11]

Chín chiếc Zero bị bắn hạ trong cuộc tấn công Trân Châu Cảng.[12] Từ những chiếc bị bắn rơi này, quân Đồng minh tuy nhận ra rằng máy bay Zero thiếu thiết giáp và thùng nhiên liệu tự hàn kín nhưng những gì họ có vẫn chưa đủ để có thể đưa ra đánh giá chính xác về khả năng của loại máy bay này.[13] Việc khám phá ra đặc điểm bay của Zero lúc bấy giờ rất quan trọng vì nó là mấu chốt để tìm ra chiến thuật và chế tạo máy móc nhằm đối phó với máy bay.

Trước khi Akutan Zero được phát hiện và sửa chữa thì quân Đồng Minh đã từng sở hữu thông tin kỹ thuật từ ba chiếc Zero bị bắn rơi khác. Chiếc Zero đầu tiên (mang số hiệu 5349) do phi công Toyoshima Hajime lái bị rơi xuống đảo Meville thuộc Úc sau vụ đánh bom Darwin. Nó được phát hiện trong tình trạng hư hại nặng và Toyoshima trở thành tù binh Nhật Bản đầu tiên ở Úc trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Một chiếc Zero khác do Maeda Yoshimitsu điều khiển được phát hiện rơi gần Cape Rodney, New Guinea. Nhóm người được cử đến để thu thập chiến cơ này đã phạm sai lầm khi cắt đứt rời cánh, xà dọc cánh tách thành từng khúc khiến nó không thể bay được.[14] Mẫu thứ ba (mang số hiệu 3372) được phát hiện rơi ở Trung Quốc trong tình trạng nguyên vẹn một phần. Kỹ sư hàng không Gerhard Neumann đã tái tạo lại máy bay bằng cách sử dụng các phần nhặt được từ những chiếc Zero bị bắn rơi khác.[1] Tuy nhiên, do điều kiện xấu và thời gian để vận chuyển hàng sang Trung Quốc quá lâu nên chiếc Zero của Neumann không thể mang sang Hoa Kỳ thử nghiệm. Mãi đến khi chiếc Akutan Zero khôi phục xong thì ông mới có cơ hội.[15]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Akutan Zero http://www.angelfire.com/wa/wathies/ http://www.aviation-history.com/mitsubishi/zero.ht... http://www.j-aircraft.com/research/WarPrizes.htm http://www.lonesentry.com/articles/ttt08/zero-figh... http://www.pacificwrecks.com/aircraft/a6m2/1575.ht... http://www.warbirdforum.com/neumann.htm http://www.warbirdforum.com/zerodunn.htm http://web.mit.edu/invent/iow/neumannrevised.html //www.worldcat.org/oclc/871536711 https://books.google.com/books?id=GZCNhrm9eOYC&pri...